ĐÁNH GIÁ CỦA BẠN NẤM ĐỘC (vyvuquynhnhu@... - Đồng Nai):
Kiếm hiệp và ngôn tình, 2 thế loại vốn thường "được" nhiều người xếp vào loại văn học ba xu rẻ tiền. Tôi không giấu là mình cũng từng là 1 trong số những người đó. Nhưng với "Thất dạ tuyết", tôi tin rằng bạn sẽ không thất vọng.
Câu chuyện mở đầu bằng cảnh hai phe Hắc - Bạch võ lâm sống mái cùng nhau trong nền tuyết trắng và những cây linh sam đâm thẳng bầu trời tựa như những bia mộ màu xám. Hai kẻ sống sót lê bước tới Dược sư cốc mong được cứu chữa. Từ đây, câu chuyện về tha thứ và thù hận, từ bỏ và cố chấp, quá khứ và hiện tại dần được mở ra.
Mỗi số phận trong "Thất dạ tuyết" đều mang những câu chuyện riêng. Hoắc Triển Bạch loay hoay với một tình yêu cố chấp, đến khi nhận ra hạnh phúc thật sự của gã vẫn luôn ở đó, thì gã lại để vuột mất nàng, dù chỉ cách một bước chân. Tiết Tử Dạ dằn vặt đau khổ bởi quá khứ bi thương, thức dậy dưới táng mai trắng bỗng cảm thấy trong cuộc đời bế tắc của nàng, hóa ra vẫn còn có thể tìm chút hơi ấm, tiếc là nàng không còn kịp để cảm nhận hơi ấm ấy lần thứ 2. Diệu Phong cả cuộc đời chỉ vẻn vẹn một nụ cười ấm áp, không tức giận, không niềm vui, chỉ như gió xuân ấm áp, đến rồi đi. Vậy mà giữa đêm tuyết lạnh, hắn đã khóc, đã bất lực không thể bảo vệ nổi người quan trọng nhất cuộc đời hắn. Vượt qua ngàn dặm bão tuyết với hy vọng mong manh, buông nàng xuống mới hay nàng đã tự kết liễu đời mình từ khi hắn vẫn còn tuyệt vọng bước đi trong tuyết. Tột cùng đau khổ, cũng là tột cùng bình lặng. Đồng không quá khứ, lựa chọn tương lai đầy mưa máu vì trong cuộc đời này không còn ai đợi y nữa.
Đúng như Thương Nguyệt thừa nhận, “Thất dạ tuyết” không phải là một câu chuyện “thiên trường địa cửu” mà là một câu chuyện về thỏa hiệp và từ bỏ. Từ bỏ quá khứ, từ bỏ mù quáng, từ bỏ nỗi ám ảnh, để tiếp tục mải miết trên con đường tìm kiếm hạnh phúc. Dù mong manh, dù thất bại nhưng can đảm lựa chọn, can đảm từ bỏ tức là đã sẵn sàng cho cuộc sống mới, sự chờ đợi mới. Nói cho cùng thì cuộc sống vẫn tiếp diễn, vấn đề là chúng ta lựa chọn phải sống thế nào mà thôi. “Thất dạ tuyết”, 7 đêm tuyết lạnh cho một dũng khí để từ bỏ.
Ngòi bút của Thương Nguyệt rất nữ tính, rất duy mĩ. Duy mĩ đến từng cái tên, từng nhân vật, từng tiểu cảnh. Mỗi nhân vật đều có màu sắc riêng, màu sắc toát ra từ cái tên, dáng hình đến tính cách. Đó là chưa kể đến từng khung hình tuyệt đẹp mà chị vẽ ra trong tác phẩm. Là cây mai trắng ngần nở hoa rực rỡ, nam tử anh hùng ôm lấy tử y nữ tử đang say ngủ, cảm giác yên bình kì lạ giữa những phong ba của bão tuyết. Là sát thủ lạnh lùng tóc xanh lảo đảo ôm người con gái đã chết lao đi trong đêm tuyết lạnh lùng, những bước chân mệt nhoài mà hắn mãi mãi chẳng bao giờ quên. Là đứa trẻ ngẩn ngơ bên chiếc cầu gãy đổ, nhận ra y đã chẳng còn đường để quay về. Có thể nói rằng, nếu bạn tìm kiếm những khung cảnh hoành tráng, bi hùng như trong tiểu thuyết của Kim Dung, bạn sẽ thất vọng. Ở Thương Nguyệt, bạn sẽ chỉ tìm thấy nét đẹp tinh tế, nhẹ nhàng mà sâu sắc ẩn chứa trong ngôn từ hoa lệ, bạn sẽ chỉ tìm thấy cảm giác phải nén bi thương trong mắt, sẽ chỉ tìm thấy cái buốt giá của mùa đông và sự mong manh của số phận con người trong vòng xoáy đấu tranh thiện ác, bạn sẽ tìm thấy yêu, hận, dịu dàng, chuếch choáng, đau đớn và cả những giây phút trong trẻo ngắn ngủi giữa hương hoa mai thoang thoảng quyện cùng hơi rượu nồng nàn… trong giây phút đó, biết đâu bạn chẳng chợt nhận ra mình đã đắm say trong ngòi bút của Thương Nguyệt từ lúc nào.
“Thất dạ tuyết” thật sự là một cuốn sách đem đến sự say mê trên từng con chữ, như vẽ một bức tranh tuyết trắng rực rỡ đến đau lòng, lạnh đến đau lòng…
.............
Thương Nguyệt đã phải mất tám năm để nhân vật của mình có thể cười như thế và say như thế, để thổi vào trong họ hơi thở của con người, để cân bằng trong họ sức mạnh của những vị thần và khuyết điểm của những phàm nhân.
Kim Dung. Cổ Long. Ngọa Long Sinh. Lương Vũ Sinh. Ôn Thụy An. Huỳnh Dị... Đã từ lâu, xuất hiện một định kiến rằng sáng tác tiểu thuyết võ hiệp, cũng như nhiều công việc khác, là "chuyện riêng của cánh đàn ông". Rằng chỉ nam nhi mới đủ tư cách “hành hiệp, luận kiếm”, chỉ nam nhi mới đủ tư cách viết về giang hồ.
Quan niệm ấy, tưởng chừng đã nghiễm nhiên trở thành chân lý. Cho đến một ngày, chân lý ấy hoàn toàn sụp đổ dưới ngòi bút của một cô gái. Cô ấy tên là Thương Nguyệt.
Lần đầu tiên, người đọc được thưởng thức một văn phong đẹp đẽ đến thế, quyết liệt đến thế, và cũng nhu mì như thế. Nữ tính trong cô, không những không hủy hoại nét hào hùng quen thuộc từng làm mê đắm bao thế hệ độc giả của truyện kiếm hiệp, mà còn mang đến cho nó hơi thở nồng nàn mà tươi mới của một nàng thiếu nữ tuổi đôi mươi.
Thất dạ tuyết ra đời năm 2007, tám năm sau ngày Thương Nguyệt đặt bút viết cuốn truyện đầu tay, Thính Tuyết lâu, một hệ liệt từ vài năm nay đã trở nên quen thuộc với độc giả Việt Nam qua bản dịch lan truyền trên mạng. Tám năm qua, ngòi bút của cô đã điềm đạm đi nhiều, đằm thắm đi nhiều, nhưng nét ưu nhã và thanh lệ vô song thì vẫn còn nguyên vẹn đó.
Giang hồ trong Thất dạ tuyết vẫn là giang hồ tự ngàn xưa, đầy gió tanh mưa máu. Bối cảnh ở Thất dạ tuyết vẫn là bối cảnh của kiếm hiệp truyền thống, một trường tranh đấu khốc liệt giữa võ lâm Trung Nguyên và Ma giáo Tây Vực. Nhân vật của Thất dạ tuyết vẫn phảng phất giấc mơ thuở ban đầu của một người-con-gái-viết-kiếm-hiệp: yêu vẫn nồng nàn, hận vẫn sâu cay, và hành xử vẫn quyết tuyệt đến không ngờ. Nhưng bầu không khí lạnh lùng và ảm đạm từng vây phủ Thính Tuyết lâu thì không còn nữa. Đã thấp thoáng những tiếng cười trong trẻo, những giờ phút vô ưu, dù chỉ là vài cơn say ngắn ngủi ngát hương Tiếu hồng trần.
Thương Nguyệt đã phải mất tám năm để nhân vật của mình có thể cười như thế và say như thế, để thổi vào trong họ hơi thở của con người, để cân bằng trong họ sức mạnh của những vị thần và khuyết điểm của những phàm nhân. Đó là Tiết Tử Dạ y thuật siêu quần nhưng lại rất dễ mềm lòng trước những gã trai tuấn tú, là Hoắc Triển Bạch kiếm pháp phi phàm nhưng lại quá đỗi huênh hoang.
Nàng cốc chủ của Dược Sư cốc và gã kiếm khách của Đỉnh Kiếm các mang trong mình thứ dũng khí kế thừa từ hai nhân vật truyền kỳ của Thính Tuyết lâu. Nàng dùng đôi tay đoạt quyền tạo hóa hòng cưỡng lại số mệnh, còn gã dùng Mặc Hồn kiếm để nghịch lại thiên ý, cả hai đều một lòng muốn cứu lấy sinh mệnh người mình yêu thương. Họ có thể thắng. Họ có thể thua. Họ có thể phải trả những cái giá rất đắt. Nhưng họ vĩnh viễn không đầu hàng.
Trong cuộc chiến với vận mệnh, Hoắc Triển Bạch và Tiết Tử Dạ chưa từng buông xuôi. Nhưng trong cuộc chiến nội tâm, khi đối diện với bản thân, họ lại tìm thấy một thứ dũng khí khác - thứ dũng khí để thỏa hiệp, để từ bỏ, một phẩm chất mà chính Thương Nguyệt đã thừa nhận, những nhân vật của cô ở thời kỳ đầu không có được. Suốt quãng thời gian ở Dược Sư cốc, Tiết Tử Dạ đã vận dụng hết sở học để chữa lành cho Hoắc Triển Bạch những vết kiếm thương. Nhưng chỉ bằng một đêm say túy lúy dưới gốc mai già giữa trời khuya tuyết đổ, hai người họ đã chữa lành cho nhau những vết thương lòng. Ấy là lúc cả hai dùng trò đoán quyền để nhìn thẳng vào quá khứ, lấy tuyết để gột rửa ký ức, và đem rượu để phá bỏ chấp niệm bao năm đè nặng trái tim mình. Năm xưa, Tiếu hồng trần từng là liều thuốc giúp Tiết Tử Dạ ngự hàn. Đêm nay, nó đã trở thành liều thuốc xua đuổi cái lạnh trong lòng họ; và khi cùng cạn vò rượu ấy, họ đã tiếp sức cho nhau vượt qua quá khứ bằng cách uống cạn một giấc mơ - giấc mơ tiếu ngạo hồng trần.
Năm 1972, Kim Dung phong bút. Năm 1985, Cổ Long qua đời. Khó có thể nói hết nỗi khắc khoải chờ đợi của những người yêu kiếm hiệp truyền thống suốt những năm qua. Thất dạ tuyết, qua bản dịch của Lục Hương, tin rằng sẽ không phụ lòng mong đợi ấy. Trên một góc độ nào đó, cuốn sách này có thể được coi là sự tiếp nối xứng đáng của Phi hồ ngoại truyện, nơi Tiết Tử Dạ âm thầm hát tiếp khúc bi ca của Trình Linh Tố năm nào.
Nham Hoa
(Nguồn: Báo Vnexpress)